Rau có sâu nghĩa là rau an toàn?

PNO - Tại sao những con sâu này không chết vì thuốc? Vì chúng lờn thuốc, và rau “bẩn” vẫn hoàn “bẩn”, cho dù có sâu.

LTS: Ăn ngon, ăn sạch và khoa học để sống khỏe mạnh, tích cực và góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ ngân quỹ gia đình là mục tiêu của nhiều người. Nhưng làm thế nào để biết mình đang ăn đúng, thực phẩm mình dùng tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng?

Mời bạn theo dõi chuyên mục Ăn ngon - Sống khỏe của Báo Phụ Nữ TPHCM vào thứ Hai hằng tuần với sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.

Thực phẩm hữu cơ/organic giá luôn cao gấp nhiều lần thực phẩm ngoài chợ, trong khi thu nhập của chúng tôi giảm theo tình hình kinh tế sau dịch COVID-19. Nhưng khổ nhất vẫn là việc mua lầm. Tôi ra chợ hay chọn loại rau có lá bị sâu, nhưng tôi cũng từng nghe trên báo chí các câu chuyện như bắt sâu bỏ vào rau để chứng minh nông sản của họ là sạch. Xin hỏi chuyên gia, rau đã dùng thuốc có thể bị sâu ăn lỗ chỗ để người bán lừa chúng tôi hay không? 

Thu Lan (khu dân cư Phú Mỹ Hưng, TPHCM)

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, giảng viên bộ môn dinh dưỡng - thực phẩm Trường đại học Y Dược TPHCM, trả lời: Một số người thích ăn rau sâu vì họ nghĩ rau có sâu mới là rau sạch, quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Có rất nhiều cách trồng rau sạch mà không có một con sâu hoặc không có vết lỗ chỗ. Trên thực tế, rau có vết cắn lỗ chỗ thường đã bị phun thuốc. Vì rau không có thuốc trừ sâu gặp sâu sẽ dễ bị ăn trụi hết lá, chứ không chỉ là vài vết cắn. 

Rau an toàn được sử dụng thuốc trừ sâu sinh học (ảnh minh họa)
Rau an toàn được sử dụng thuốc trừ sâu sinh học (ảnh minh họa)

Có một số trường hợp sâu lờn thuốc hoặc trước khi thu hoạch, người sản xuất cho sâu vào đêm trước để tạo những vết sâu cắn. Tại sao những con sâu này không chết vì thuốc? Vì chúng lờn thuốc, và rau “bẩn” vẫn hoàn “bẩn”, cho dù có sâu. 

Chúng ta không thể phủ nhận công dụng của thuốc trừ sâu khi được sử dụng đúng cách, một khi đã bị sâu tấn công mà không có biện pháp chuyên trị thì chắc chắn năng suất kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Rau an toàn được sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, vì thuốc này sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người mà vẫn đảm bảo hiệu quả diệt trừ sâu bệnh hại rau màu. Vì thế, rau sạch không có nghĩa là phải có sâu và ngược lại.

Trường hợp khác, có thể cửa hàng vẫn có giấy chứng nhận chất lượng nhưng họ vẫn lợi dụng cho sâu vào tạo những vết cắn, nhằm thu hút khách hàng, tăng doanh thu. Nên vết sâu cắn không phải là tiêu chí để nhận định chất lượng của rau. 

Cách phân biệt rau sạch và rau bẩn: 

- Nên chọn mua rau theo mùa, thời nào thức nấy, hạn chế ăn rau củ trái mùa để tránh rau bị tẩm thuốc. Hạn chế mua trái mùa khi năng suất thấp, sâu nhiều, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. 

- Rau sạch có màu hơi nhạt không xanh mướt, thân nhỏ, lá to và thân hơi dai, chắc chắn, không dễ bị gãy. Lá vò sẽ có mùi thơm nồng đặc trưng. Đối với rau củ, phần củ luôn nhỏ, không nhẵn nhụi, không tròn nhưng phần cuống vẫn còn tươi. Các loại quả như cà chua sẽ có màu không đồng đều do chín tự nhiên.

- Rau không an toàn sẽ có lá màu xanh đậm do bón nhiều phân đạm, thân xốp, mềm dễ gãy. Thân và lá đều to xum xuê, mướt mập, trông rất hấp dẫn do được phun nhiều kích thích sinh trưởng. Lá rau xanh mơn mởn, nhưng mùi lại không còn thơm đặc trưng. Các loại rau củ thì phần củ luôn to tròn, đẹp mắt, nhưng cuống lại héo. Quả luôn có màu chín mọng đồng đều.

- Các loại rau sạch và an toàn thường có thời gian bảo quản khá lâu, có thể giữ được đến năm ngày có khi lên đến một tuần nếu để trong ngăn mát tủ lạnh. Đối với các loại củ thì thời gian bảo quản khoảng 15 ngày. Rau không an toàn khi mua về bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để được khoảng 2 - 3 ngày, dấu hiệu thúi dần và chảy nước. Tuy nhiên, các loại củ như khoai tây, su hào, cà rốt tẩm hóa chất bảo quản sẽ để được thời gian khá dài, vì các loại thuốc này có khả năng ức chế hoạt động của enzym cao để củ không bị hư hỏng. 

B.T. (ghi)

 

 

 

 

Nguồn: user-16

Tags:keyword-17 

khác