Tro ngon ri trông Tết ni vợ chồng thằng Hải về mà ăn...

Mẹ mở nồi, mùi thơm ngậy ngào ngạt bốc ra. Tôi thò tay xuống bên dưới lớp nước màu vàng cánh gián mỡ màng, nhón hai ngón tay bốc ra một thứ quả tròn tròn màu sẫm, ấn nhẹ thấy lớp thịt quả đã mềm, bèn
Tro ngon ri trông Tết ni vợ chồng thằng Hải về mà ăn... - Ảnh 1.

Nồi tro om béo bùi ngày Tết

Gió Đông Bắc về đem theo cái rét se sắt của những ngày cuối năm. Bên bếp củi bập bùng, tôi ngồi xoay nhẹ chiếc nồi kê sát bếp vần quanh, nhìn mẹ ngồi hơ đôi bàn tay nhăn nheo khô sần mang dấu vết thời gian của bao năm tần tảo, nói khẽ: "Sắp Tết rồi đó mẹ".

Ừ thế là sắp Tết, thời gian còn trôi nhanh hơn cả cơn gió lạnh giữa đông, nhớ năm ngoái cũng tầm này chỉ có cha mẹ ngồi bên bếp bởi lệnh hạn chế vùng COVID, vậy mà một năm đã trôi qua. Mọi thứ đều chuyển trôi như dòng chảy, Tết đã cận kề.

Mẹ mở nồi, mùi thơm ngậy ngào ngạt bốc ra. Tôi thò tay xuống bên dưới lớp nước màu vàng cánh gián mỡ màng, nhón hai ngón tay bốc ra một thứ quả tròn tròn màu sẫm, ấn nhẹ thấy lớp thịt quả đã mềm, bèn bỏ tọt vào miệng.

"Tro bùi quá mẹ ơi".

Mẹ cười: "Ăn rứa coi chừng bỏng rồi đừng có kêu tau". Mẹ nhả miếng trầu xuống bếp, ngó qua làn hơi nước bốc lên từ nồi, thâu sang ô cửa sổ ra ngoài, thở dài: "Tro ngon ri trông Tết ni vợ chồng thằng Hải về mà ăn".

Tôi bỏ mấy quả tro đã chín ra chiếc bát đưa cho mẹ, rồi tiếp tục nhấm nháp vị béo bùi của từng thớ thịt tro tan giòn trong miệng. Cây tro là tên gọi của cây cọ theo tiếng địa phương của người dân miền núi Hà Tĩnh quê tôi, chúng thường mọc thành từng cụm vài ba cây, thân cao, lá có cuống gai và xòe tán.

Cha kể, xứ đất Hương Phong này xưa toàn là đồi núi hoang sơ, rồi người ta lên khai khẩn vỡ hoang, dân cứ chọn vùng nào tro mọc nhiều để dựng nhà.

Bởi lẽ chỗ nào tro đã mọc thì sạch bong bóng cỏ dại, lá tro dùng lợp nhà, cành tro gai chi chít được cắm làm hàng rào, quả tro om lên trở thành thứ lương thực chống đói cho những ngày cam khổ ấy.

Bởi lẽ vì vậy, Tết nào ở quê tôi người ta cũng bày biện một đĩa tro như truyền thống nhắc về những công lao mà cha ông tạo dựng.

Quả tro bẻ từ những cây tro nếp cao là thứ quả tròn và đậm vị, ít chát, chúng bám trên những buồng tạo quả như buồng cau lớn, người ta chặt xuống, gỡ quả ra khỏi buồng. Muốn tro ăn được phải làm sạch vỏ.

Tôi còn nhớ ngày nhỏ, mẹ bỏ tro vào thúng, bỏ luôn cả những cành nhỏ li ti của buồng tro sót lại sau khi tách quả vào, tôi và chị tôi đứng vào giẫm, sự ma sát giữa quả và cành làm lớp vỏ bong ra, đến khi tro sạch thì chân hai chị em tôi cũng nâu thẫm vì dính nhựa.

Tro ngon ri trông Tết ni vợ chồng thằng Hải về mà ăn... - Ảnh 2.

Quả tro

Mẹ đem tro đi rửa sạch, nấu một nồi nước nóng gần sôi, bỏ tro vào rồi om bên bếp lửa cho đến khi ấn tay vào quả thấy mềm là tro đã chín.

Khi ấy mấy anh chị em tôi xúm vào bên nồi tro thơm lừng, bốc từng quả từ nồi cho vào miệng vừa ăn vừa xuýt xoa.

Nhớ có hôm tro ngon quá, mấy chị em ăn hết của anh Hải, lúc đó đi ra đồng dắt bò về muộn, anh ngồi xuống mặt đỏ rần vì tiếc mà khóc trong khi mấy chị em ôm nhau cười ngặt nghẽo.

Hình như món tro om luôn đem lại cảm giác ấm cúng của sự đoàn tụ. Không ai nấu tro để ăn một mình, mà nồi tro luôn gắn với những ngày lạnh giá quây quần bên bếp lửa.

Tôi nhớ dạo trước vào ngày gần Tết, nhà nhà hái xuống vài rổ tro, một ít để om, một ít để muối dưa làm món ăn kèm bánh chưng chống ngán, đĩa tro om thường được bày biện vào bữa cơm cuối năm, như để nhớ những ngọt bùi bên nhau suốt một năm vất vả.

Nhưng rồi cuộc sống ngày một bộn bề hơn, anh Hải đi làm trong miền Nam, dăm bảy năm mới có cái Tết về quê.

Những cây tro cũng không còn nhiều như trước, người ta xây nhà, lợp ngói. Tấc đất trở thành tấc vàng. Tro bị chặt để lấy đất. Tết về món tro cũng không còn thịnh hành như xưa nữa, chỉ đôi ba nhà nấu vào ngày 30, thay vào đó là những thứ hoa quả nhập ngoại, bắt mắt.

Duy mẹ vẫn để lại vài gốc tro, kiên quyết không chặt. Mẹ nói, để thằng Hải khi nào về còn có thứ quả này mà ăn, để chúng bay còn ngồi quây bên bếp.

Và chúng tôi vẫn vậy, mong chờ ngày cuối năm, rũ bỏ bộn bề công việc, ngồi bên mẹ cha và nồi tro om ấm áp quanh bếp lửa, nghe mẹ kể những câu chuyện ngày xưa cũ, nghe cha nhắc: Tết nay thằng Hải sẽ về.

Nguồn: user-16

Tags:keyword-17 

khác